HỔ PHÁCH – AMBER

GIỚI THIỆU

Hổ phách thuộc nhóm đá quý hữu cơ (organic gems). Đá quý hữu cơ là sản phẩm của sinh vật sống hoặc đã từng sống và có chu trình sinh học. Một số loại đá quý hữu cơ phổ biến như: ngọc trai, ngọc ốc, san hô, ngà voi, ammonite…

Hổ phách là nhựa cây hóa cứng qua thời gian và hóa thạch. Tuổi của hổ phách cổ nhất lên đến 320 triệu năm và các nhà khảo cổ học phát hiện con người bắt đầu sử dụng hổ phách làm vật trang hoàng cách đây khoảng 10,000 năm trước công nguyên.

Hình 1: Hổ phách là loại đá quý hưu cơ và đặc trưng bởi bao thể thực vật hoặc côn trùng, đôi khi có thể thấy dưới mắt thường. Ảnh: GIA.

ĐẶC ĐIỂM VÀ TÍNH CHẤT

Thành phần hóa học của hổ phách gồm carbon, hydrogen và oxy, ngoài ra còn có hàm lượng vết của sulfur. Do thành phần là nhựa và khi cháy lại tạo ra mùi thơm dễ chịu nên trong lịch sử con người đã từng đốt hổ phách giống như một số nước Á Đông đốt nhang bây giờ. Theo tiếng Đức hổ phách là bernstein – nghĩa là “đá cháy”.

Quá trình hình thành hổ phách bắt nguồn từ lớp nhựa cây dày, thường là nhựa thông (pine). Theo thời gian nhựa sẽ hóa cứng lại và để được gọi là hổ phách thì nhựa cây hóa cứng phải có ít nhất 1 triệu năm tuổi, nếu tuổi ít hơn thì được gọi là Copal hoặc hổ phách non. Copal thường mềm và nóng chảy tại nhiệt độ thấp hơn hổ phách.

Khách hàng thường biết đến hổ phách với màu vàng và vàng kim, tuy nhiên thực tế hổ phách có thể có màu trắng, cam, đỏ hoặc nâu. Hổ phách đỏ trong suốt có giá trị cao hơn hổ phách vàng kim, tiếp đến mới là hổ phách vàng. Đặc biệt khi phát quang mạnh màu xanh dương hoặc xanh lục dưới ánh sáng cực tím thì giá trị của hổ phách sẽ tăng lên. Hổ phách có độ trong từ trong suốt đến đục.

Hình 2: Màu quen thuộc của hổ phách là vàng, vàng kim tới cam, trong khi đó màu đỏ thì hiếm hơn. Ảnh: Alan Jobbins

Quá trình oxy hóa có thể làm cho hổ phách thay đổi màu qua thời gian và hổ phách sau khi được cắt mài để làm trang sức lại càng nhạy với quá trình oxy hóa hơn do bề mặt nguyên thủy bên ngoài bị làm mỏng hoặc đã loại bỏ. Quá trình này có thể làm cho hổ phách vàng hoặc cam dần dần trở nên đậm màu hơn hoặc chuyển thành đỏ, thậm chí thành màu đen.

So với đá quý vô cơ và nhiều loại đá quý hữu cơ khác thì hổ phách mềm và có độ cứng thấp (2 tới 2.5 theo thang độ cứng Mohs). Hổ phách không có cấu trúc tinh thể (vô định hình – amorphous), không có hiệu ứng, không có cát khai và ánh bề mặt là ánh nhựa đến thủy tinh.

Bao thể là một trong những nét đặc trưng nhất của hổ phách. Hàng triệu năm trước đây, khi nhựa cây rỉ ra chúng sẽ hoạt động như cái bẫy để bẫy kiến, ong, mối và nhiều loại côn trùng khác sau đó nhựa hóa cứng và bao bọc những loại côn trùng này lại tạo thành bao thể. Cánh hoa và lá thông cũng là bao thể đặc trưng của hổ phách. Hổ phách chứa những động vật lớn như bò cạp, ốc sên, ếch và thằn lằn sẽ rất có giá trị về mặt kinh tế và khoa học, đặc biệt khi động vật được bảo tồn nguyên vẹn.

Hình 3: Hổ phách chứa bò cạp còn nguyên vẹn. Ảnh: Eric Welch/GIA (bên trái). Mẫu thực vật cũng là bao thể phổ biến trong hổ phách. Ảnh: John Koivula/GIA (bên phải)

Những mẫu chứa bao thể côn trùng hoặc thực vật sẽ đem về giá trị cao hơn những mẫu không có bao thể. Ví dụ: Hổ phách không có bao thể giá chỉ vài dollars trên mẫu, trong khi những mẫu có chứa côn trùng hoặc thực vật có thể được bán với giá hàng ngàn dollars trên mẫu.

NGUỒN GỐC

Vùng biển Baltic của Châu Âu là nguồn hổ phách chính của thế giới. Hổ phách thường được tìm thấy ở trên bờ hoặc gần bờ của biển Baltic qua địa phận các nước Đan Mạch, Đúc, Lithuania, Phần Lan và Nga. Tỷ trọng của hổ phách thấp (1.06 -1.09) cho phép nó nổi trên nước biển, vì vậy khi những tầng đá cổ dưới biển bị phong hóa hoặc xói mòn sẽ phóng thích hổ phách vào trong nước biển, hoạt động của sóng sẽ đẩy nó tới gần bờ biển, nơi mà người ta có thể khai thác được. Những thợ mỏ sẽ khai thác hổ phách từ những mỏ dọc theo bờ biển Baltic

Cộng Hòa Dominica là nguồn hổ phách lớn thứ hai trên thế giới. Việc khai thác không đượcdễ dàng và tốn kém hơnnên hổ phách Dominica thường đắt hơn hổ pháchBaltic.

CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ

Có nhiều phương pháp xử lý khác nhau được sử dụng để cải thiện màu sắc, độ trong của hổ phách nhằm làm chúng cuốn hút và dễ kinh doanh hơn. Các nhà xử lý có thể làm trong suốt những đám mây trong hổ phách bằng cách xử lý nhiệt trong dầu được chiết xuất từ hạt nho (rapeseed) hoặc hạt cải dầu (canola). Dầu sẽ xuyên vào và lấp đầy những bọt khí là nguyên nhân tạo ra mây trong hổ phách. Phương pháp này tương tự như emerald được xử lý dầu để hạn chế tối thiểu khả năng nhìn thấy những khe nứt trong emerald. Đôi khi hổ phách sau khi xử lý có những bao thể tròn, dẹp được gọi là sun spangles.

Hình 4: Bao thể sun spangle trong hổ phách cam tới nâu được xử lý nhiệt từ hổ phách vàng. Ảnh: Shane McClure/GIA

Ngoài ra các nhà xử lý còn xử lý nhiệt kết hợp chất tạo màu để nhuộm hổ phách thành các màu khác nhau như: lục, đỏ.,…

Các nhà xử lý có thể tạo ra những mẫu hổ phách kích thước lớn bằng cách nén những mẫu nhỏ lại với nhau dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất thích hợp. Những mẫu hổ phách nén này được gọi là ambroid, hổ phách nén (pressed amber), hổ phách gia cố (consolidated amber) hoặc hổ phách tái tạo (reconstructed amber). Loại hổ phách này có thể nhận dạng dưới kính hiện vi bằng cách quan sát ranh giới giữa những mẫu nhỏ hoặc bao thể bọt khí bị kéo dài, biến dạng do quá trình nén ép.

CHĂM SÓC VÀ BẢO QUẢN

Do hổ phách có độ cứng thấp nên việc chăm sóc tẩy rửa chỉ nên sử dụng nước xà phòng ấm và bàn chảy mịn, không nên tẩy rửa với máy siêu âm (ultrasonic). Thành phần hóa học chính của hổ phách là nhựa nên cần tránh tiếp xúc trực tiếp với tất cả các loại acid, dung môi đậm đặc và những chất hóa học khác như: cồn (alcohol), isopropyl. Nhiệt độ nóng chảy thấp nên trong quá trình gắn lên nữ trang phải lưu ý tránh tiếp xúc đèn khò sẽ làm hổ phách biến dạng và trong quá trình sử dụng cũng như trưng bày cũng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn sáng trong thời gian dài.

Nguồn: GIA Colored Stone Course